Nguyên lý kế toán – Một số khái niệm cơ bản cần biết

Nguyên lý kế toán là một trong những kiến thức mà một nhân viên kế toán cần phải nắm rõ. Sau đây sẽ là một số khái niệm cơ bản cần biết về nguyên lý kế toán

Nguyên lý kế toán là cơ sở cũng như là nền tảng quan trọng nhất của khoa học kế toán nói riêng và khoa học kinh tế nói chung. Đặc biệt, đây là một trong những môn học bắt buộc đối với những sinh viên hay nghiên cứu sinh chuyên ngành kế toán kiểm toán, kinh tế và quản trị kinh doanh. Nó áp dụng vào không chỉ ở các doanh nghiệp, tổ chức lớn nhỏ mà cũng áp dụng cả trong đời sống hàng ngày của mỗi người. Tuy nhiên, môn học này lại gây ra một phần không nhỏ khó khăn trong suốt quá trình học tập bởi những định nghĩa, khái niệm lý thuyết tương đối khô khan và khó hiểu của nó. Vì vậy, sau đây mình xin chia sẻ vấn đề này qua bài viết “Nguyên lý kế toán – Một số khái niệm cơ bản cần biết”. 

1. Định nghĩa: Nguyên lý kế toán là gì?    

Nguyên lý kế toán là gì     

 Trước hết, mỗi khi bắt đầu bước vào nghiên cứu hay học tập bất kỳ thứ gì, ta cũng cần hiểu bao quát khái niệm cũng như mục đích để có thể dễ dàng xác định được phương hướng và dễ dàng hơn trong việc thực hành sau này. Vậy hạch toán là gì? Đó là một hệ thống quan sát, đo lường, tính toán và ghi chép các quá trình kinh tế - xã hội, nhằm quản lý và giám sát quá trình đó một cách chặt chẽ. 

Cụ thể hơn, quan sát các quá trình và hiện tượng kinh tế - giai đoạn đầu tiên của việc phản ánh và giám đốc quá trình tái sản xuất, qua đó có thể nắm bắt được những vấn đề cơ bản của đối tượng quản lý. Đo lường là việc biểu hiện các đối tượng của sản xuất bằng các thước đo thích hợp như thước đo hiện vật, thước đo giá trị… Tính toán là việc sử dụng các phép tính, phương pháp phân tích và tổng hợp thích hợp để xác định các chỉ tiêu cần thiết, nhằm rút ra kết luận chính xác và kịp thời về quá trình sản xuất để đưa ra những điều chỉnh đúng đắn. Và cuối cùng, ghi chép là quá trình thu thập, xử lý và ghi lại tình hình, kết quả của các hoạt động kinh tế trong từng thời kỳ và từng địa điểm, qua đó nhà quản lý hoặc người quản lý có thể rút ra được những đáng giá, kết luận cần thiết đối với từng loại công việc khác nhau. 

Từ đó, kết luận lại ta có thể hiểu, nguyên lý kế toán - hạch toán kế toán là “môn học phản ánh và giám đốc các mặt hoạt động kinh tế - tài chính ở mọi đơn vị và tổ chức qua các đối tượng cụ thể là các hoạt động kinh tế tài chính: sự biến động về tài sản, nguồn vốn,… bằng các thước đo giá trị.” (theo giáo trình Nguyên lý kế toán, nhà xuất bản Đại học Kinh Tế Quốc Dân).

2. Đối tượng sử dụng thông tin kế toán

Đối tượng sử dụng thông tin kế toán được phân loại theo quan hệ với đơn vị (về lợi ích, về khả năng ảnh hưởng tới các hoạt động, …), theo đó đối tượng kế toán bao gồm 2 loại: các nhà quản lý và những người có lợi ích liên quan.

Trong đó, các nhà quản lý là những người trực tiếp tham gia quản trị kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, ra quyết định kinh doanh, chỉ đạo tác nghiệp trực tiếp tại đơn vị, gồm có: hội đồng quản trị, chủ doanh nghiệp và ban giám đốc. Loại thứ 2, những người có lợi ích liên quan tiếp tục chia theo lợi ích trực tiếp như các nhà đầu tư, chủ nợ... của đơn vị và lợi ích gián tiếp như các cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tài chính,...

3. Đối tượng nghiên cứu của kế toán

Cũng giống như các môn học kinh tế khác, kế toán cũng nghiên cứu quá trình tái sản xuất nhưng thông qua nghiên cứu tài sản, nguồn hình thành tài sản (nguồn vốn), sự tuần hoàn của vốn và các mối quan hệ kinh tế - pháp lý phát sinh trong quá trình tồn tại vả hoạt động của một đơn vị kế toán.

Đối tượng nghiên cứu thứ nhất trong nguyên lý kế toán là tài sản. Tài sản là tất cả những nguồn lực kinh tế mà đơn vị kế toán đang nắm giữ, sử dụng cho hoạt đông của đơn vị mà đủ các điều kiện: (1) đơn vị có quyền sở hữu hoặc kiểm soát và sử dụng trong thời gian dài, (2) có giá trị xác định, (3) chắc chắn thu được lợi ích trong tương lai từ việc sử dụng các nguồn lực này. 

Nguyên lý kế toán

Căn cứ vào thời gian đầu tư, sử dụng và thu hồi, tài sản chia làm hai loại: tài sản dài hạn và tài sản ngắn hạn. Tài sản ngắn hạn là những tài sản thuộc quyền sở hữu của đơn vị, có thời gian đầu tư, sử dụng và thu hồi trong vòng 1 năm, có thể kể đến như tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn, các khoản phải thu ngắn hạn, hang tồn kho, tạm ứng, ký cược, ký quỹ ngắn hạn,… Còn tài sản dài hạn là những tài sản được đầu tư, có thời gian sử dụng và thu hồi trên 1 năm như tài sản cố định (nhà cửa, trang thiết bị, phương tiện vận tải, các quyền sử dụng,…); đầu tư tài chính dài hạn, các khoản phải thu dài hạn, bất động sản đầu tư, các chi phí trả trước dài hạn, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản và dở dang cũng như các khoản hao mòn,… 

Đối tượng nghiên cứu thứ hai là nguồn vốn. Đây là những quan hệ tài chính mà từ đó đơn vị có thể sử dụng và huy động một số tiền nhất định dung để đầu tư tài sản. Nguồn vốn cho biết nguồn gốc tài sản của đơn vị và những trách nhiệm kinh tế, pháp lý mà đơn vị cần phải có đối với tài sản của mình. Tất cả tài sản của doanh nghiệp có thể hình thành từ hai nguồn, đó là vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.

Nguồn vốn chủ sở hữu là số tiền do các nhà đầu tư, các nhà sáng lập viên đóng góp hoặc được hình thành từ kết quả hoạt động. Cần phải khẳng định rằng đây không phải là một khoản vay nợ, vì thế doanh nghiệp hay đơn vị không có trách nhiệm phải thanh toán. Với những loại hình doanh nghiệp khác nhau, vốn chủ sở hữu được hình thành khác nhau và bao gồm 3 loại: vốn góp, lợi nhuận chưa phân phối và các vốn chủ sở hữu khác (quỹ đầu tư phát triển, nguồn vốn đầu tư xây dụng cơ bản, chênh lệch tỷ giá hối đoái,...). 

Còn nợ phải trả là số vốn vay, vốn chiếm dụng của các tổ chức, cá nhân khác mà đơn vị kế toán có nghĩa vụ phải thanh toán. Nợ phải trả được phân loại theo thời hạn đơn vị thanh toán, bao gồm: nợ ngắn hạn và nợ dài hạn. Nợ ngắn hạn là các khoản nợ có thời hạn thanh toán dưới 1 năm hoặc 1 chu kỳ kinh doanh như vay ngắn hạn, phải trả người bán ngắn hạn, tiền đặt trước ngắn hạn của người mua, các khoản phải trả, phải nộp,… Nợ dài hạn là các khoản nợ có thời hạn thanh toán trên 1 năm hoặc trên chu kỳ kinh doanh như vay dài hạn, nợ dài hạn về thuê tài chính tài sản cố định, các khoản nhận ký quỹ dài hạn, tiền đặt trước dài hạn của người mua,…

Việc phân loại tài sản và nguồn vốn ta có thể khái quát được qua bảng sau:

          Tài sản 

 

    Nguồn vốn

 

Tài sản ngắn hạn

  • Tiền mặt, tiền gửi ngân hàng

  • Đầu tư tài chính ngắn hạn

  • Các khoản phải thu ngắn hạn

  • Hàng tồn kho

  • Tài sản ngắn hạn khác

Nợ phải trả

  • Vay ngắn hạn

  • Nợ dài hạn đến hạn trả

  • Phải trả người bán

  • Khách hàng trả trước, ứng trước

  • Thuế phải nộp nhà nước

  • Phải trả công nhân viên

  • Chi phí phải trả

  • Vay dài hạn

  • Nợ dài hạn

  • Trái phiếu phát hành

Tài sản dài hạn

  • Tài sản cố định

  • Đầu tư tài chính dài hạn

  • Các khoản phải thu dài hạn

  • Bất động sản đầu tư

  • Hao mòn

Nguồn vốn chủ sở hữu

  • Vốn góp

  • Lợi nhuận chưa phân phối

  • Vốn chủ sở hữu khác

  • Qũy đầu tư phát triển

  • Qũy khen thưởng


4. Các nguyên tắc kế toán được thừa nhận rộng rãi

Các nguyên tắc kế toán được thừa nhận rộng rãi

Các nguyên tắc kế toán được thừa nhận rộng rãi là một hệ thống bao gồm các giả định về môi trường kế toán, các khái niệm cơ bản của kế toán và các nguyên tắc kế toán chủ yếu được những người đã và đang hành nghề kế toán chấp nhận rộng rãi nhằm tạo sự thống nhất trong việc sử dụng và trình bày các thông tin kế toán.

Có tám nguyên tắc kế toán được sử dụng rộng rãi, và cần đặc biệt lưu tâm khi nghiên cứu Nguyên lý kế toán. 

  • Nguyên tắc đầu tiên: khách quan. Tức là, số liệu do kế toán cung cấp phải mang tính khách quan và có thể kiểm tra được, thông tin kế toán cần không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ các định kiến chủ quan nào.
  • Nguyên tắc thứ hai: giá phí (giá phí lịch sử). Việc tính toán giá trị tài sản, công nợ, vốn, doanh thu, chi phí phải dựa trên giá trị thực tế mà không quan tâm đến giá thị trường. Nguyên tắc này được đảm bảo chỉ khi đơn vị kế toán hoạt động liên tục.
  • Nguyên tắc thứ ba: doanh thu thực hiện. Doanh thu phải được xác định bằng số tiền thực tế thu được và được ghi nhận khi quyền sở hữu hàng hóa bán ra được chuyển giao và khi các dịch vụ được thực hiện.
  • Nguyên tắc thứ tư: phù hợp. Ở đây, tất cả các chi phí phát sinh để tạo ra doanh thu ở kỳ nào cũng phải phù hợp với doanh thu được ghi nhận của kỳ đó và ngược lại. Sự phù hợp được xem xét trên hai khía cạnh là thời gian và quy mô.
  • Nguyên tắc thứ năm: nhất quán. Trong quá trình kế toán, các chính sách kế toán, khái niệm, nguyên tắc, chuẩn mực và các phương pháp tính toán phải được thực hiện trên cơ sở nhất quán từ kỳ này sang kỳ khác.
  • Nguyên tắc thứ sáu: công khai. Tất cả các tư liệu liên quan đến tình hình tài chính vè kết quả hoạt động của đơn vị kế toán phải được thông báo đầy đủ cho người sử dụng.
  • Nguyên tắc thứ bảy: thận trọng. Thông tin kế toán được cung cấp cho người sử dụng cần đảm bảo sự thận trọng thích đáng để người sử dụng không hiểu sai hoặc không đánh giá quá lạc quan về tình hình tài chính của đơn vị. 
  • Nguyên tắc thứ tám: trọng yếu. Bởi thông tin kế toán là những thông tin có ảnh hưởng đáng kể tới bản chất của nghiệp vụ hoặc ảnh hưởng tới những đánh giá của đối tượng sử dụng về tình hình tài chính của đơn vị, hoặc ảnh hưởng tới đối tượng sử dụng trong việc ra quyết định, vì thế kế toán cần chỉ chú trọng những vấn đề mang tính trọng yếu, quyết định bản chất và nội dung của sự vật, không quan tâm tới những yếu tố ít tác động trong báo cáo tài chính.

Trên đây là một vài khái niệm, nguyên tắc cơ bản mà mình muốn chia sẻ với các bạn, đặc biệt là những người bắt đầu tham gia học tập và nguyên cứu về môn Nguyên Lý Kế Toán. Mong rằng, bài viết trên sẽ đưa ra được nhiều thông tin hữu ích cho các bạn, không chỉ ở chuyên ngành mà còn trong thực tế và công việc sau này. Chúc các bạn thành công.

>>> Xem thêm các bài viết:

5/5 (2 bình chọn)
Bài Viết Liên Quan
Kế toán hóa đơn là gì? Một số thông tin cần biết về kế toán hóa đơn
Kế toán hóa đơn là gì? Một số thông tin cần biết về kế toán hóa đơn

Kế toán hóa đơn là gì? Kế toán hóa đơn làm việc gì? Có mấy loại hóa đơn? Nguyên tắc xuất hóa đơn là gì và một số lưu ý bạn cần biết. Xem ngay!

 07/11/2022Xem chi tiết >>
Kế toán nội bộ là gì? Phân loại kế toán nội bộ chi tiết
Kế toán nội bộ là gì? Phân loại kế toán nội bộ chi tiết

Bạn đang muốn tìm hiểu thông tin kế toán nội bộ là gì và công việc cụ thể cần làm? Hãy cùng tham khảo rõ hơn qua bài viết được chia sẻ bên dưới đây.

 10/10/2022Xem chi tiết >>
Kỳ kế toán là gì? Tham khảo một số quy định liên quan đến kỳ kế toán
Kỳ kế toán là gì? Tham khảo một số quy định liên quan đến kỳ kế toán

Kỳ kế toán là gì? Kỳ kế toán được phân loại như thế nào? Cách tính kỳ kế toán. Xử phạt hành chính khi áp dụng sai quy định về kỳ kế toán như thế nào?

 19/09/2022Xem chi tiết >>