Thuế là nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước, phục vụ cho hoạt động chi tiêu của của mỗi quốc gia. Trong đó, thuế thu nhập được coi là loại thuế phổ biến, đánh vào thu nhập của mỗi cá nhân, pháp nhân theo quy định của pháp luật. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn loại thuế này nhé.
Hiểu theo nghĩa thông thường, thuế thu nhập là khoản thu của ngân sách nhà nước dựa trên thu nhập của mỗi cá nhân, pháp nhân theo quy định về pháp luật về thuế thu nhập. Dựa trên đối tượng chịu thuế, thuế thu nhập được chia là hai loại: Thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu của ngân sách nhà nước đối với mỗi cá nhân cư trú khi có thu nhập chịu thuế trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam trong thời gian một năm. Theo quy định tại Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi, bổ sung 2014), các thu nhập chịu thuế bao gồm: thu nhập từ hoạt động kinh doanh, tiền lương, tiền công; thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng, từ bản quyền, nhượng quyền thương mại; thu nhập từ nhận thừa kế hoặc nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu của ngân sách nhà nước dựa trên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Tương tự như thuế thu nhập cá nhân, thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác như chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; v.v theo quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008.
Đối với thuế thu nhập cá nhân, các đối tượng phải nộp thuế bao gồm:
Thứ nhất, đối tượng chịu thuế là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế hình thành trong và ngoài lãnh thổ quốc gia Việt Nam. Thu nhập chịu thuế bao gồm: Thu nhập từ hoạt kinh doanh, tiền lương, tiền công; Thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; Thu nhập từ trúng thưởng; Thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại; Thu nhập từ nhận thừa kế hoặc nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
Thứ hai, đối tượng chịu thuế thu nhập là cá nhân không cư trú. Đối tượng này chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam, nếu thu nhập phát sinh ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì phần thu nhập đó sẽ do pháp luật nước sở tại quy định.
Các điều kiện của cá nhân cư trú bao gồm:
Một là, cá nhân đó phải có mặt ở Việt Nam 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên cá nhân này có mặt tại Việt Nam;
Hai là, nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam.
Các cá nhân không có đủ điều kiện trên đều được coi là cá nhân không cư trú.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, đối tượng chịu thuế là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhâp doanh nghiệp, bao gồm:
Thứ nhất, doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật thành lập doanh nghiệp Việt Nam (Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký thành lập doanh nghiệp) như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc hai thành viên trở lên, công ty cổ phần.
Thứ hai, doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là loại cơ sở mà doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mang lại thu nhập như chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng; địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp; cơ sở cung cấp dịch vụ; đại lý cho doanh nghiệp nước ngoài; v.v.
Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì chỉ phải nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại lãnh thổ Việt Nam.
Thứ ba, các tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật về hợp tác xã như hợp tác xã, liên hợp tác xã (Luật hợp tác xã 2012).
Thứ tư, đơn vị sự nghiệp (bệnh viện công lập, trường đại học công lập, v.v) được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và các tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Như vậy, thuế thu nhập là loại thuế trực thu quan trọng của ngân sách nhà nước, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Hãy nắm vững những kiến thức cơ bản về khái niệm và đối tượng chịu thuế để có thể vận dụng giải quyết các vấn đề phát sinh trên thực tiễn.
>>> Xem thêm các bài viết:
Kế toán hóa đơn là gì? Kế toán hóa đơn làm việc gì? Có mấy loại hóa đơn? Nguyên tắc xuất hóa đơn là gì và một số lưu ý bạn cần biết. Xem ngay!
Bạn đang muốn tìm hiểu thông tin kế toán nội bộ là gì và công việc cụ thể cần làm? Hãy cùng tham khảo rõ hơn qua bài viết được chia sẻ bên dưới đây.
Kỳ kế toán là gì? Kỳ kế toán được phân loại như thế nào? Cách tính kỳ kế toán. Xử phạt hành chính khi áp dụng sai quy định về kỳ kế toán như thế nào?